Các chỉ tiêu tài chính là một trong những công cụ quan trọng được sử dụng trong quản trị tài chính của doanh nghiệp. Các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp cung cấp cho nhà quản trị, nhà đầu tư và chủ nợ bức tranh tổng quan về tình hình tài chính cũng như khả năng hoạt động, để từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn.
Để nắm rõ được “sức khỏe tài chính” của doanh nghiệp, nhà quản trị cần “nằm lòng” công thức và ý nghĩa của các chỉ tiêu tài chính cơ bản sau:
I- Các chỉ tiêu tài chính là gì? Vai trò của việc phân tích các chỉ tiêu tài chính
1. Chỉ tiêu tài chính là gì?
Các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính là các chỉ số phản ánh tình trạng và năng lực hoạt động của doanh nghiệp dưới góc độ tài chính – kế toán.
Có 5 nhóm chỉ tiêu tài chính đặc trưng của doanh nghiệp. Tùy vào loại hình doanh nghiệp và mục đích sử dụng, nhà quản trị có thể lựa chọn một số chỉ tiêu cần thiết để phân tích phục vụ nhu cầu của mình.
2. Các chỉ tiêu tài chính nói lên điều gì?
Phân tích các chỉ tiêu tài chính sẽ giúp nhà quản trị chỉ ra mối quan hệ giữa các yếu tố tài chính và đo lường được mối quan hệ đó, qua đó giám sát quá trình kinh doanh và thu thập được những thông tin cần thiết cho việc ra quyết định.
Bên cạnh đó, thông qua các chỉ số này, doanh nghiệp sẽ có cơ sở để đánh giá hiệu quả trong hoạt động quản lý tài chính doanh nghiệp. Từ đó có một cơ sở thống nhất trong việc điều phối các nguồn lực của doanh nghiệp.
II- Các nhóm chỉ tiêu tài chính quan trọng trong doanh nghiệp
1. Nhóm chỉ tiêu đánh giá khả năng thanh toán
1.1. Hệ số thanh toán ngắn hạn (Current Ratio)
Hệ số thanh toán ngắn hạn cho biết khả năng của doanh nghiệp trong việc dùng các tài sản lưu động như tiền mặt, hàng tồn kho hay các khoản phải thu để chi trả cho các khoản nợ ngắn hạn của mình.
Công thức:
- Hệ số thanh toán ngắn hạn = (Tài sản ngắn hạn)/(Nợ ngắn hạn)
Ý nghĩa:
- Đối với người cho vay, nhất là cho vay ngắn hạn như nhà cung cấp, hệ số này càng cao càng tốt.
- Đối với doanh nghiệp, hệ số này quá cao chỉ ra việc sử dụng tiền và các tài sản ngắn hạn khác không hiệu quả.
- Chỉ số này < 1, tức là vốn lưu động ròng âm => yếu tố bất thường với sức khỏe tài chính doanh nghiệp.
- Chỉ tiêu này phụ thuộc vào lĩnh vực ngành nghề kinh doanh.
1.2. Hệ số thanh toán nhanh (Quick Ratio)
Hệ số thanh toán nhanh phản ánh khả năng công ty trả các khoản nợ ngắn hạn mà không cần vay thêm và không cần bán hàng tồn kho.
Công thức:
- Hệ số thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho)/(Nợ ngắn hạn)
Ý nghĩa:
- Hệ số này không tính đến hàng tồn kho vì hàng tồn kho có tính thanh khoản thấp nhất.
- Hệ số > 1 => DN có thể dùng Tiền và các Khoản phải thu để thanh toán Nợ ngắn hạn.
- Hệ số < 1 => Tiền và Khoản phải thu ko đủ để thanh toán Nợ ngắn hạn => DN sẽ phải vay thêm hoặc bán hàng tồn kho.
1.3. Hệ số thanh toán tức thời (Acid Ratio)
Chỉ tiêu này thể hiện mối quan hệ giữa tài sản có khả năng thanh toán ngay lập tức và thanh toán trực tiếp (như tiền mặt, chứng khoán bán được ngay) với các khoản nợ hiện hành. Chỉ tiêu này là một tiêu chuẩn khá khắt khe về trả nợ ngắn hạn.
Công thức:
- Hệ số thanh toán tức thời = Tiền / Nợ ngắn hạn đến hạn
Ý nghĩa:
- Nếu chỉ tiêu này quá lớn, chứng tỏ doanh nghiệp dự trữ tiền mặt nhiều, đọng vốn, cần chuyển sang đầu tư vào những hoạt động có khả năng sinh lời cao.
- Cần lưu ý đến bản chất của hàng hóa kinh doanh khi khảo sát chỉ tiêu này.
2. Nhóm chỉ tiêu tài chính đánh giá hiệu quả hoạt động
2.1. Số vòng quay tài sản
Số vòng quay tài sản nói lên cường độ sử dụng tài sản, ý nghĩa là 1 đồng tài sản nói chung có khả năng tạo được bao nhiêu doanh thu.
Công thức:
- Số vòng quay tài sản = Doanh thu / Tổng tài sản
Ý nghĩa:
- Nếu chỉ số này cao cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động gần hết công suất và rất khó để mở rộng hoạt động nếu không đầu tư thêm vốn
- Nếu chỉ số thấp có nghĩa là vốn đang được sử dụng chưa hiệu quả và có khả năng doanh nghiệp thừa hàng tồn kho hoặc tài sản nhàn rỗi hoặc vay tiền quá nhiều so với nhu cầu thực sự
2.2. Số vòng quay tài sản cố định
Công thức:
- Số vòng quay tài sản cố định = Doanh thu / Tổng tài sản cố định
Ý nghĩa:
- Chỉ tiêu số vòng quay tài sản cố định cho biết cường độ sử dụng tài sản cố định, đặc điểm ngành nghề kinh doanh, đặc điểm đầu tư.
2.3. Số vòng quay vốn lưu động ròng
Số vòng quay vốn lưu động ròng phản ánh vốn lưu động ròng trong kỳ quay được bao nhiêu lần (vòng) để tạo ra doanh thu.
Công thức:
- Số vòng quay vốn lưu động ròng = Doanh thu / Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn
Ý nghĩa:
- Chỉ tiêu này càng cao chứng tỏ doanh nghiệp sử dụng tài sản hiệu quả, tạo ra nhiều doanh thu (thu hồi vốn nhanh).
2.4. Số vòng quay hàng tồn kho
Số vòng quay hàng tồn kho là số lần mà hàng hóa tồn kho bình quân luân chuyển trong kỳ.
Công thức:
- Số vòng quay hàng tồn kho = GVHB trong kỳ / Hàng tồn kho bình quân
Ý nghĩa:
- Số vòng quay hàng tồn kho càng cao thì việc kinh doanh càng được đánh giá càng tốt do doanh nghiệp chỉ đầu tư cho hàng tồn kho thấp (tiết kiệm nhiều loại chi phí liên quan) nhưng vẫn đạt được doanh thu cao.
2.5. Số vòng quay khoản phải thu
Số vòng quay các khoản phải thu đo lường mức độ hiệu quả của doanh nghiệp trong việc sử dụng tín dụng thương mại (cho khách hàng mua chịu) và khả năng thu hồi nợ.
Công thức:
- Số vòng quay khoản phải thu = Doanh thu bán chịu trong kỳ / Khoản phải thu bình quân
Ý nghĩa:
- Vòng quay thấp có thể đưa đến các thông tin sau: Hiệu quả sử dụng vốn kém do vốn bị chiếm dụng nhiều? Chính sách bán chịu của DN quá dễ dàng? Khách hàng của DP đang gặp khó khăn tài chính?
- Vòng quay cao: Giảm sức cạnh tranh dẫn đến giảm doanh thu? Việc thu hồi công nợ của DN có hiệu quả? Khả năng sinh lời và điều kiện tài chính của khách hàng là tốt
2.6. Số vòng quay khoản phải trả
Chỉ tiêu này kiểm soát khoản phải trả cho nhà cung cấp, giúp nhà quản trị xác định áp lực cho các khoản nợ, xây dựng kế hoạch ngân sách và chủ động điều tiết lưu lượng tiền tệ trong kỳ.
Công thức:
- Số vòng quay khoản phải trả = Doanh số mua hàng chịu / Khoản phải trả bq
Ý nghĩa:
- Nếu chỉ số vòng quay quá thấp có thể ảnh hướng không tốt đến số hạng tín dụng của doanh nghiệp.
- Xem thêm: Rủi ro tài chính là gì? Các giải pháp ngăn ngừa và xử lý rủi ro.
3. Nhóm chỉ tiêu tài chính đánh giá khả năng sinh lời
3.1. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động
Chỉ tiêu này cho biết trong mỗi đồng doanh thu có bao nhiêu là lợi nhuận từ hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Công thức:
- Tỷ suất lợi nhuận hoạt động = Doanh thu – Giá vốn hàng bán – Chi phí hoạt động/ Doanh thu
Ý nghĩa:
- Tỷ suất lợi nhuận hoạt động càng cao càng tốt. Ngược lại, chỉ tiêu này âm cho thấy tình hình hoạt động của công ty đang gặp vấn đề.
3.2. Tỷ suất lợi nhuận ròng
Tỷ suất lợi nhuận ròng thể hiện một đồng doanh thu thu về có bao nhiêu đồng lợi nhuận ròng.
Công thức:
- Tỷ suất lợi nhuận ròng = Lợi nhuận ròng / Doanh Thu
Ý nghĩa:
- Doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao => tỷ suất phí thấp, doanh nghiệp quản lý tốt chi phí.
- Giảm giá bán đơn vị dẫn đến tỷ suất lợi nhuận giảm, tuy nhiên có thể tăng doanh số.
3.3. Tỷ suất sinh lời của tài sản (ROA)
Chỉ tiêu này cho phép đánh giá khả năng sinh lời của một đồng vốn kinh doanh đầu tư vào tài sản doanh nghiệp, không tính đến ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp và nguồn gốc của vốn kinh doanh
Công thức:
- ROA = Lợi nhuận ròng/ Tổng tài sản
Ý nghĩa:
- Chỉ số ROA cao cho biết doanh nghiệp đang khai thác tài sản hiệu quả để tạo lợi nhuận.
- Chỉ số ROA thấp cho thấy việc quản lý nguồn lực của doanh nghiệp đang chưa được tốt.
3.4. Tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE)
Chỉ tiêu ROE giúp đo lường hiệu quả đồng vốn đầu tư của chủ sở hữu.
ROE phụ thuộc vào:
- Hiệu suất sử dụng tài sản;
- Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu;
- Đòn bẩy tài chính.
Công thức:
- ROE = Lợi nhuận ròng/ VCSH
Ý nghĩa:
- Nếu ROE < hơn hoặc bằng lãi vay ngân hàng nghĩa là nguồn vốn của công ty được sử dụng không hiệu quả, lợi nhuận không đủ trả lãi ngân hàng.
- Nếu ROE > cao hơn lãi vay ngân hàng thì phải đánh giá xem doanh nghiệp đã vay ngân hàng và khai thác hết lợi thế cạnh tranh trên thị trường chưa, có nên tăng tỷ lệ ROE trong tương lai hay không.
4. Nhóm chỉ tiêu tài chính đánh giá cơ cấu nợ
4.1. Hệ số chi trả lãi vay
Lãi vay phải trả là một khoản chi phí cố định. Nguồn để trả lãi vay là lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT). So sánh giữa nguồn để trả lãi với lãi vay phải trả sẽ cho chúng ta biết doanh nghiệp sẵn sàng trả lãi vay ở mức độ nào, khả năng thanh toán chi phí lãi vay ra sao.
Công thức:
- Hệ số chi trả lãi vay = EBIT/ Lãi vay
Ý nghĩa:
- Hệ số này càng cao phản ánh tình hình sử dụng vốn vay của doanh nghiệp càng có hiệu quả và thể hiện mức độ an toàn trong việc sử dụng vốn vay cao.
- Nếu thấp chứng tỏ hiệu quả kinh doanh yếu, khó có khả năng bổ sung thêm vốn vay.
4.2. Hệ số chi trả nợ vay
Công thức:
- Hệ số chi trả nợ vay = EBIT / Lãi vay + Gốc đến hạn
Ý nghĩa:
- Nếu hệ số chi trả nợ vay thấp cho thấy doanh nghiệp sẽ khó trang trải hoặc khó thanh toán các nghĩa vụ nợ hiện tại. Doanh nghiệp không tạo ra đủ lợi nhuận để chi trả những nghĩa vụ nợ cơ bản.
5. Nhóm chỉ tiêu tài chính liên quan đến giá thị trường
5.1. Tỷ suất thu nhập trên 1 cổ phiếu ( EPS)
Là phần lợi nhuận mà công ty phân bổ cho mỗi cổ phần thông thường đang được lưu hành trên thị trường. EPS được sử dụng như một chỉ tiêu thể hiện khả năng kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Công thức:
- EPS = Lợi nhuận ròng / SL cổ phiếu lưu hành
Ý nghĩa:
- EPS càng cao thì phản ánh năng lực kinh doanh của công ty càng mạnh, khả năng trả cổ tức càng cao và giá cổ phiếu sẽ có xu hướng tăng.
- Nếu EPS mang dấu âm, chứng tỏ doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và đang gặp khó khăn cực kì lớn trong kinh doanh.
5.2 Hệ số P/E
P/E đo lường mối quan hệ giữa giá thị trường và thu nhập của mỗi cổ phiếu. Trong đó, giá thị trường của là giá mà tại đó cổ phiếu đang được mua bán ở thời điểm hiện tại; thu nhập của mỗi cổ phiếu EPS là phần lợi nhuận sau thuế mà công ty chia cho các cổ đông thường trong năm tài chính gần nhất.
Công thức:
- P/E = Giá thị trường / EPS
Ý nghĩa:
- P/E cho thấy giá cổ phiếu hiện tại cao hơn thu nhập từ cổ phiếu đó bao nhiêu lần, hay nhà đầu tư phải trả giá cho một đồng thu nhập bao nhiêu
- Nếu chỉ tiêu P/E mang giá trị âm, do EPS âm thể hiện doanh nghiệp đang kinh doanh kém hiệu quả và xảy ra lỗ.
Qua bài viết, Fly-up đã cung cấp những thông tin cơ bản về các chỉ tiêu tài chính cũng như tầm quan trọng và cách tính các chỉ tiêu, giúp quản trị tài chính doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Nếu bạn cần tư vấn chuyên sâu hơn, vui lòng liên hệ:
- Đội ngũ chuyên gia FLY UP
- Địa chỉ: TT5.2A-34, KĐT mới Đại Kim, Phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội.
- Hotline: 039 887 6116
- Email: info@fly-up.vn
- Website:fly-up.vn